Pages

Subscribe:

15 thg 6, 2011

Bãi biển Lăng Cô

Bãi biển Lăng Cô là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi này cùng với cụm Hải Vân-Non Nước đã được đưa vào Danh sách...


Bãi biển Lăng Cô là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi này cùng với cụm Hải Vân-Non Nước đã được đưa vào Danh sách các khu du lịch quốc gia Việt Nam. Vì thế, ngành du lịch địa phương có tham vọng biến Lăng Cô thành một huyền thoại biển quả là điều thú vị đối với du khách.
Thuyền nan của ngư dân Lăng Cô cũng là sản phẩm du lịch.
Du khách từ Đà Nẵng vượt đèo Hải Vân hoặc qua đường hầm xuyên đèo là đến Lăng Cô. Tính từ Huế vào, du khách đến Lăng Cô chỉ hơn một giờ đi ô tô với khoảng 70 km.
Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam – với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km, làn nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp nằm dọc theo quốc lộ 1A. Lăng Cô được liệt vào danh sách những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Vùng biển này nằm giữa hai nhánh của dãi Trường Sơn vươn ra biển là đèo Hải Vân và đèo Phú Gia nên biển rất tĩnh lặng. Phía sau bãi là những khu rừng nguyên sinh, những con suối ngàn róc rách. Nhìn tổng quan, Lăng Cô như một thung lũng của dãy Trường Sơn nằm ngay sát biển. Khi thời tiết ở miền Trung oi bức nhất thì Lăng Cô vẫn khá ấm áp khi nhiệt độ luôn dưới 28 độ C.



Lăng Cô xưa là một làng chài nhỏ nhưng nay trở thành một thị trấn xinh đẹp thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Có người lý giải rằng: tên Lăng Cô xuất phát từ đặc điểm những đàn cò hàng trăm, hàng ngàn con thường bay về đây trú ngụ và tìm thức ăn. Khu vực này, có nhiều bãi bồi, có những vị trí tiếp giáp với sông, suối tạo vùng nước lợ… nguồn thức ăn phong phú. Vì thế, xưa làng chài này có tên gọi là “Làng Cò”. Lâu ngày, dòng người xuôi ngược Bắc Nam dừng chân ghé chơi nơi đây hỏi tên làng và đọc trại là “Lăng Cô”. Cách đọc trại âm này đến nay vẫn được giữ.
Ai đó bảo rằng: đến Lăng Cô không được ngủ “nướng”. Thoạt nghe có vẻ lạ nhưng cứ thức sớm, du khách sẽ tự mình lý giải được điều đó. Đằng sau tấm màn cửa hướng ra biển là một bầu trời đầy sắc hồng. Biển Lăng Cô trong như nước lọc và xanh biếc. Cát biển trắng mịn, sóng nhẹ. Bình minh trên biển trải ra cả một không gian yên bình, thư thái. Những người yêu thiên nhiên đến đây luôn thức thật khuya để tận hưởng không gian nên thơ và cũng thức dậy thật sớm để chứng kiến bức tranh núi rừng, biển cả hòa quyện vào nhau hữu tình thời khắc giao nhau giữa đêm và ngày. Cả một không gian trong trẻo, tinh khiết có khi lại có một làn sương mỏng manh che lại như e ấp, ngượng ngùng. Bởi thế, nhiều người có câu: “Lên núi gặp anh hùng Bạch Mã, xuống biển gặp người đẹp Lăng Cô”.


Dãy Bạch Mã hùng vĩ của đèo Hải Vân và bãi biển Lăng Cô là sự kết duyên tuyệt vời của thiên nhiên. Nằm cặp theo dọc theo đường quốc lộ 1A nhưng Lăng Cô không bị quấy rầy bởi tiếng còi xe, tiếng động cơ của những chuyến xe hối hả. Ngày nay, Lăng Cô còn trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho những đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật, của những du khách muốn thật sự nghỉ ngơi, thư giãn… Lăng Cô chỉ mới phát triển du lịch trong những năm gần đây nhưng đã thu hút đầu tư mạnh mẽ với hàng loạt các resort ven biển. Bước chân qua khỏi sảnh lễ tân của các khu resort, du khách như bước vào một thế giới khác. Du khách đến miền Trung, không thích không gian hoa lệ của Đà Nẵng, “ngợp” với không gian u tịch của Huế thì Lăng Cô là điểm để dừng chân. Chỉ để ngắm bình minh trên biển, đắm mình trong làn nước trong xanh, mơn man với bãi cát trắng mịn màng hay ngắm đàn cò bay lả vào những buổi chiều tà… cũng đủ để du khách bình chọn nơi đây vào những điểm đến lý tưởng để thư giãn, để tự tình và để chan hòa cuộc sống với thiên nhiên.
Kể từ khi là vịnh thứ ba của Việt Nam lọt vào danh mục các bãi biển đẹp nhất thế giới.

Lăng Cô đã phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ đẹp nét duyên của nàng công chúa, thiên nhiên luôn được trân trọng. Nằm ở vị trí trung tâm của con đường di sản, Lăng Cô sớm trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của vùng đất cố đô, thu hút du khách nội địa và quốc tế. Du lịch theo tuyến này, dù từ Bắc vào hay từ Nam ra, du khách vẫn có thể đi suốt con đường di sản với Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (Quảng Nam) rồi dừng chân lại Đà Nẵng và vượt Hải Vân để đến di sản cố đô Huế. Theo chương trình  này, du khách có thể gói gọn trong 3-4 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét