Pages

Subscribe:

23 thg 7, 2011

Lăng Cô, Thiên Đường Du Lịch Cho Mọi Người

Hè này, Lăng Cô tròn hai năm được công nhận vịnh đẹp Thế giới. Hàng trăm năm qua chưa bao giờ Lăng Cô có được vị thế như hôm nay.




Lăng Cô vào những ngày cuối tháng 5 thời tiết khá lý tưởng - nắng đẹp, gió nhẹ, mặt đầm, biển gợn sóng êm đềm thật bình yên. Tôi đã không ít lần đến Lăng Cô, nhưng sau mỗi lần có dịp trở lại trong lòng cứ nao nao, cảm nhận thêm nhiều cái mới, cái lạ, cái đổi thay thích khám phá.

Anh bạn tôi công tác ở huyện Phú Lộc nhiều năm- người đã sát theo những bước đi của Lăng Cô trong thời gian gần đây cho rằng, dẫu chưa có những bước đột phá, nhưng kể từ ngày “đăng quang” danh hiệu Vịnh đẹp Thế giới, nhiều “làn gió mới” đã đến với thánh địa du lịch này. Có thể thấy rõ, ngoài hàng chục công trình giao thông ở phía bắc, phía nam, từ Cảnh Dương, Chân Mây đến với Lăng Cô, hai năm gần đây đã và đang có hàng loạt công trình phúc lợi dân sinh ở khu vực được đầu tư nâng cấp như đường sá, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường... đàng hoàng, sạch sẽ. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán sá tư - công được khánh thành, tạo nét sang trọng, lộng lẫy dọc theo biển Lăng Cô.

Anh Trần Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, sau khi Lăng Cô được công nhận Vịnh đẹp Thế giới, người dân nơi đây bỗng nhiên vui hơn, cuộc sống được cởi mở, chan hòa và dường như được quan tâm hơn. Các hoạt động lễ hội, hội nghị, hội thảo đến những hoạt động cộng đồng... được tỉnh, huyện tổ chức diễn ra trong khu vực tạo cho vùng đất vốn đã hấp dẫn nay càng trở nên hấp dẫn hơn với cả du khách, các nhà đầu tư... Theo lời anh Giảng, ngoài các dự án hạ tầng và cho chủ trương nghiên cứu đầu tư, trên địa bàn thị trấn Lăng Cô hiện đã có 14 dự án được UBND tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf... trên diện tích khoảng hơn 355 ha. Ngoài ra còn nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang có ý định đầu tư những dự án du lịch sinh thái mang tầm quốc tế ở khu ven bắc Hải Vân, ven đầm Lập An và dọc theo biển Lăng Cô. 


Bên cạnh những dự án trên, hiện Lăng Cô đã có 44 khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng 4 sao trở xuống với khoảng 600 phòng để phục vụ du khách. Anh Hữu Dũng, chủ khách sạn Triệu Vỹ ở Lăng Cô cho biết, vào mùa hè các khách sạn ở đây đều kín chật khách, trong lúc đó công suất các khách sạn ở nơi khác chỉ đạt 60-70%. Điều này cho thấy, Lăng Cô đang có sức hút cực lớn đối với du khách thập phương.

Lăng Cô thời cơ đã đến, đó là lời nhận định của anh bạn tôi. Thời cơ ấy cũng đồng nghĩa với đất đai nơi đây ngày càng có giá. Trước đây, chuyện trao đổi mua bán đất ở Lăng Cô được tính theo mét tới thì nay đã chuyển sang mét vuông với giá cao ngất ngưỡng. Trong quá trình Lăng Cô được quy hoạch nằm trong khu kinh tế CM-LC, đến năm 2009 lại sánh vai vào 31 vịnh đẹp Thế giới và rồi sẽ trở thành thành phố du lịch xanh trong tương lai. Với những gì đã có cũng như mục tiêu Lăng Cô đang hướng đến đã làm cuộc sống người dân ở đây có nhiều biến động. Một mặt, người dân phải thích ứng với sự chuyển mình của vùng đất, ổn định việc làm, nhanh chóng xây dựng nếp sống thị dân... để xứng tầm vị thế Vịnh đẹp Thế giới. Mặt khác, phải làm tốt việc quản lý khai thác vịnh, đến vấn đề quy hoạch, quản lý việc quy hoạch nhường đất, mặt nước đầm, biển cho các công trình, dự án mà lâu nay đang làm đau đầu các cấp chính quyền quản lý. Hiện, Lăng Cô đã có nhiều công trình lớn, nhỏ ra đời, đó là những khu du lịch sinh thái, khách sạn, nhà nghỉ, trong lúc đó cũng còn khá nhiều dự án, công trình xây dựng du lịch biển, sân golf... còn đang trong giai đoạn khởi động; nhiều đồi cát, khu đất đã giải phóng san ủi nhưng rồi bỏ hoang...


Thừa Thiên Huế đã có Lăng Cô-vùng đất được thiên nhiên ban tặng “đệ nhất” xứ sở du lịch xứng tầm thế giới. Đây là một vốn quý đã được thế giới thừa nhận không chỉ cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cho các tỉnh khu vực miền Trung, của Việt Nam. Để giữ mãi là nơi “đệ nhất”du lịch cho du khách, những người con của Huế không phân biệt thành phần, địa vị cao thấp phải lo cùng Lăng Cô ngay từ bây giờ dù chỉ là việc rất nhỏ.